Đánh giá Lã_Mông

Bình luận của người đương thời

Tài năng quân sự của Lã Mông được nhiều tướng lĩnh và nhà quân sự đương thời đánh giá cao. Tại Tam Quốc chí, quyển 54 (Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện), Trần Thọ khen ông là người mưu dũng song toàn, có nhiều mưu kế giỏi và kì diệu như dụ hàng Hác Phổ, bắt Quan Vũ... song cũng có lời bình rằng lúc trẻ Lã Mông cũng là người khinh quả vọng sát, đến sau này mới có được cái độ lượng của quốc sĩ mà làm nên nghiệp đại tướng[43]. Đại đô đốc trước Lã Mông là Lỗ Túc, trước từng chê cười Lã Mông, sau cũng phải có lời tán dương Lã Mông vượt qua cảnh nghèo và có ý học hỏi, tự cho mình không biết hết khả năng ông[44]. Tôn Quyền từng khuyên Lã Mông cố gắng học hỏi để có thêm chút kiến thức, đến lúc thấy được thành quả của ông cũng rất khâm phục ý chí này của Lã Mông[45]. Sự khâm phục này của Tôn Quyền còn kèm theo sự tin tưởng về tài năng và phẩm chất, như việc nhất quyết cử Lã Mông dẹp loạn giặc cướp trong khi các tướng có tước quyền cao hơn ông vào thời điểm đó ông thể nào làm được. Khi đàm luận về Chu Du, Lỗ Túc và Lã Mông, Tôn Quyền và Lục Tốn cũng rất khen ngợi ông là ngươi dũng cảm và mưu trí[46].

Bình luận của hậu thế

Các sử sách sau thời Tam Quốc cũng có những lời đánh giá rất cao về nhân vật Lã Mông, hoan nghênh và tỏ thái độ khâm phục đối với ông, so sánh Lã Mông với ba vị đô đốc nổi tiếng khác là Chu Du, Lỗ Túc hay Lục Tốn[47]. Ngoài ra, Tấn thư còn dẫn lời của Đặng Thiết bình luận với Cam Trác về Lã Mông, khen ông là một vị tướng tài[48].

Đến Cựu Đường thư vẫn thấy rất nhiều lời khen ngợi Lã Mông. Trong phần tuyện Ngụy Nguyên Trung, tác giả có chép lại lời nhận xét của Ngụy Nguyên Trung khen ngợi những vị văn thần võ tướng xuất thân bần tiện nhưng có ý chí, sau cùng làm nên đại nghiệp, trong đó có Lã Mông[49]. Còn Tống sử thì cho rằng tài năng của Lã Mông có một phần là do sự khuyến khích của Tôn Quyền[50]. Ngoài ra trong phần Nho lâm truyện ở Tống sử còn có ghi nhận lời tôn vinh danh tiếng của các vị tướng của Đông Ngô và Thục Hán, trong đó có Lã Mông[51].

Đến cả những nhân vật chính trị thời hiện đại cũng không ngớt khen ngợi Lã Mông. Tháng 9 năm 1959, trong chuyến công tác tại An Huy, Mao Trạch Đông đã có lời khen ngợi đối với Lã Mông, cho ông là người kiêu hùng dũng lược và chí khí và đánh giá cao những thành tích của ông. Ông cùng với Chu Du, Lỗ TúcLục Tốn được hậu thế xưng tụng là Đông Ngô tứ đại đô đốc (bốn vị đô đốc Đông Ngô), đều nắm toàn quyền cai quản quân đội.

Về sau, đời nhà Đường, lễ nghi sử Nhan Chân Khanh từng dâng biểu lên vua Đường xin truy phong cho các 64 tướng lĩnh thời xưa, trong đó có Trương Liêu, Đặng Ngải, Quan Vũ, Trương Phi, Chu Du, Lục Tốn, Lục Kháng và Lã Mông, trong đó ông được phong làm Ngô vũ uy tướng quân nam quận thái thú Sàn Lăng hầu Lã Mông và được lập miếu thờ[52]. Sang thời nhà Tống, năm thứ năm niên hiệu Tuyên Hòa, Lã Mông được liệt vào hàng 72 danh tướng thời cổ đại và được lập miếu thờ[53].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lã_Mông http://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%A4%AA%E5%B9%B3%E5... http://vi.wikisource.org/wiki/Tam_qu%E1%BB%91c_di%... http://vi.wikisource.org/wiki/Tam_qu%E1%BB%91c_di%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/%...